Suy giảm trí nhớ: Nguyên nhân, cách khắc phục và phòng ngừa

Hay quên, đầu óc lơ đãng, khả năng ghi nhớ giảm, khó tập trung,… có thể là dấu hiệu của suy giảm trí nhớ. Tình trạng này về lâu dài có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, Alzheimer gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, công việc nếu không được can thiệp điều trị sớm. Vậy suy giảm trí nhớ là gì, nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào? Nếu bạn quan tâm đến bệnh lý này đừng bỏ qua những chia sẻ trong bài biết dưới đây.

Suy giảm trí nhớ là gì?

Suy giảm trí nhớ là hiện tượng suy giảm khả năng ghi nhớ và nhận thức do sự suy thoái không ngừng của não bộ. Rất nhiều người cho rằng đây là căn bệnh của tuổi già, nhưng thực tế ngay cả những người trẻ tuổi cũng có biểu hiện của căn bệnh này. Đây là vấn đề không nên xem nhẹ, bởi ban đầu bệnh chỉ làm giảm hiệu suất làm việc, học tập… nhưng về sau sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người bệnh.

Suy giảm trí nhớ có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau

Nguyên nhân suy giảm trí nhớ

Nguyên nhân suy giảm trí nhớ có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như:

Do các tế bào thần kinh bị thoái hóa: Có thể bạn chưa biết, não bộ của một người trưởng thành chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, chúng liên kết với nhau bởi 1000 tỷ khớp thần kinh (synap). Sau tuổi 25, trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 3000 tế bào thần kinh chết đi mà không thể phục hồi. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì khả năng ghi nhớ và phản xạ. Đây cũng là lý do vì sao càng lớn tuổi, trí nhớ càng giảm sút.

Do sự tăng sinh các gốc tự do: Gốc tự do là những nguyên tử hoặc phân tử bị mất đi một điện tử ở lớp vỏ ngoài cùng. Chúng được sinh ra liên tục trong quá trình chuyển hóa của cơ thể hoặc hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như: stress, hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm, rượu bia, thuốc lá… Khi các gốc tự do này tăng sinh quá mức sẽ tấn công, phá hủy các cấu trúc tế bào trong cơ thể, nhất não bộ, gây nên các bệnh lý mạch máu não và thoái hóa thần kinh như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson.
Rối loạn giấc ngủ: Ngủ là khoảng thời gian cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi và đào thải độc tố sau một ngày làm việc căng thẳng. Bên cạnh đó, trong lúc ngủ, sóng não sẽ được tạo ra để lưu trữ các thông tin trong bộ não. Các sóng não cũng có thể chuyển những thông tin này đến vỏ não trước trán để lưu trữ. Khi bạn thiếu ngủ, mất ngủ thì quá trình này sẽ bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn, hay quên.
Chế độ dinh dưỡng kém: Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, ăn quá nhiều đồ ngọt, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ hộp chứa chất bảo quản và phụ gia… ngoài làm tăng sinh các gốc tự do gây hại cho cơ thể còn khiến não bộ dễ bị “ăn mòn”, làm giảm khả năng ghi nhớ.
Căng thẳng, trầm cảm: Những yếu tố tâm lý tiêu cực như áp lực trong công việc, học tập; gặp khó khăn trong cuộc sống, chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái,… có thể dẫn đến căng thẳng/stress, thậm chí trầm cảm. Tình trạng này kéo dài lâu ngày có thể làm suy giảm chức năng não bộ, suy giảm trí nhớ.

Lạm dụng rượu: Lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể gây rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc….

Thiếu vitamin B12: Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước, có vai trò giữ cho các tế bào thần kinh và hồng cầu khỏe mạnh. Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có suy giảm trí nhớ, thường gặp ở người lớn tuổi.

Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài như thuốc chống trầm cảm, điều trị huyết áp cao, rối loạn tuyến giáp,… cũng là một trong những yếu tố gây suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, suy giảm trí nhớ có thể là hệ lụy của một số bệnh lý như viêm não, đột quỵ…

Suy giảm trí nhớ có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau

Biến chứng của bệnh suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ không chỉ khiến người bệnh quên trước quên sau, khả năng ghi nhớ và tiếp thu giảm; khả năng tư duy, tập trung và xử lý công việc kém… mà còn dẫn đến nhiều sai sót không đáng có trong cuộc sống, hiệu quả học tập và chất lượng công việc giảm sút. Theo thời gian, suy giảm trí nhớ còn gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như:

Sa sút trí tuệ: Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 50% trường hợp suy giảm trí nhớ phát triển thành bệnh sa sút trí tuệ sau 3 năm với các biểu hiện giảm trí nhớ, rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, mất khả năng nhận biết đồ vật… Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng, người bệnh sẽ mất dần khả năng tư duy, không thể tự chăm sóc cá nhân, cuối cùng dẫn đến tử vong.

Alzheimer: Đây một bệnh lý nhận thức thần kinh, là dạng phổ biến nhất của sa sút trí tuệ, chiếm tới 60 – 80% nguyên nhân sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Người mắc bệnh Alzheimer thường tử vong sau khoảng 8-10 năm và cho đến nay vẫn chưa có cách cải thiện bệnh hoàn toàn mà chỉ có thể làm chậm tiến trình của bệnh.

Gây teo não: Suy giảm trí nhớ kéo dài có thể tiến triển thành sa sút trí tuệ, gây ra những tổn hại nghiêm trọng và rất khó phục hồi ở não như như teo não, tổn thương chất trắng, sang thương mạch máu, giãn não thất.

Các yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ

Trước đây, suy giảm trí nhớ là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi, do các tế bào thần kinh thoái hóa dần theo thời gian. Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả những người trẻ tuổi cũng có thể mắc suy giảm trí nhớ nếu có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, lười vận động
  • Bị trầm cảm, lo âu, mất ngủ
  • Làm việc trong môi trường căng thẳng, áp lực
  • Phụ nữ sau sinh
  • Thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá
  • Chấn thương não, từng can thiệp phẫu thuật não